Lịch sử
mấy ngàn năm văn hiến của dân tộc Việt Nam đã xuất hiện bao thế hệ danh nhân,
hào kiệt : bậc quân vương, danh tướng có Lạc Long Quân, Lê Lợi, Nguyễn Huệ… ;
thầy dạy học có Chu Văn An, Võ Trường Toản… ; hiền tài có Nguyễn Trãi, Mạc Đĩnh
Chi… ; bác học có Lê Quý Đôn, Trương Vĩnh Ký,…; văn nhân, thi sĩ có Đoàn Thị
Điểm, Nguyễn Đình Chiểu, Phan Văn Trị…; các nhà hoạt động cách mạng có Nguyễn
Thị Minh Khai, Nguyễn Thị Định, Huỳnh Tấn Phát, Lê Anh Xuân, Trần Văn Ơn… Mỗi
người tuy có hoàn cảnh sống và làm việc khác nhau nhưng tất cả đều góp phần làm
rạng danh đất nước bằng chính sự nghiệp, đạo đức cá nhân trong thời đại mình
sống.
Trong lịch
sử phát triển Nam Bộ, tuy Bến Tre mới hình thành vài trăm năm nhưng được xem là
vùng “địa linh nhân kiệt”. Trong quá trình đấu tranh cách mạng, cả nước biết đến
xứ dừa với danh hiệu “quê hương Đồng Khởi”. Trên phương diện đào tạo nhân lực
cho đất nước, Bến Tre lại được biết đến với niềm tự hào là “đất học Nam Bộ”.
Trong tiến trình phát triển của dân tộc, Nam Bộ nói chung và Bến Tre nói riêng
đã đóng góp cho lịch sử những danh nhân tiêu biểu trên nhiều phương diện, được
nhân dân cả nước và thế giới biết đến như : Nguyễn Đình Chiểu – Nhà thơ chống
thực dân Pháp, Võ Trường Toản – Nhà giáo tiêu biểu của đất Gia Định ; Phan Thanh
Giản – Tiến sĩ đầu tiên đất Nam kì ; Trương Vĩnh Ký – Bác học được bình chọn
trong nhóm Thập bát anh hào thế giới thế kỉ XIX ; Huỳnh Tấn Phát – Kiến trúc sư,
Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng ; Nguyễn Thị Định – Anh hùng Lực lượng vũ trang,
Nữ tướng duy nhất của Quân đội nhân dân Việt Nam… Ngoài ra, còn không ít nhân
vật tiêu biểu khác của tỉnh, tuy không chiếm những vị trí xuất sắc, nổi trội
nhưng tên tuổi họ luôn được nhắc đến trong dòng chảy lịch sử cũng như trong tâm
khảm nhiều người.
Để vinh
danh những người con tiêu biểu của dân tộc, của quê hương và nêu tấm gương sáng
cho các thế hệ tiếp nối phấn đấu trên con đường rèn luyện tri thức, nhân cách và
đạo đức, Hội đồng nhân dân các huyện, thành phố và Hội đồng nhân dân tỉnh Bến
Tre đã cố gắng chọn tên các danh nhân văn hoá, cách mạng trong và ngoài nước đặt
tên cho các trường phổ thông trong tỉnh. Đặc biệt, Hội đồng nhân dân còn chú ý
chọn tên danh nhân địa phương để đặt tên cho ngôi trường tại nơi sinh trưởng
hoặc nơi yên nghỉ của danh nhân ấy. Cá biệt, do có quan hệ hữu nghị đặc biệt với
nhân dân Cu-ba và khâm phục người anh hùng Che Guevara, nên có trường được đặt
tên ông. Việc làm này nhằm nhắc nhở nhà trường thường xuyên giáo dục truyền
thống hiếu học, truyền thống “uống nước nhớ nguồn” đối với thầy cô và học sinh,
không chỉ gói gọn trong những ngày truyền thống.
Cuốn
Lịch sử các trường mang tên danh nhân tỉnh Bến Tre
được biên soạn nhằm góp phần ghi lại những hiểu biết chính yếu về cuộc đời hoạt
động và thành tích của các danh nhân được chọn đặt tên trường cùng lịch sử phát
triển nhà trường, với những thành tích chung của trường, của cá nhân thầy cô và
học sinh. Mong rằng quyển sách không chỉ hữu ích cho mọi người đang công tác,
học tập ở trường mà còn cung cấp thông tin giới thiệu nhà trường cho quý bạn đọc
quan tâm tới sự nghiệp giáo dục tỉnh nhà. Thầy cô giáo, cán bộ, công nhân viên
trường và các em học sinh luôn cảm thấy tự hào mỗi khi nghĩ về mái nhà chung là
ngôi trường mà mình đã từng gắn bó. Xin trân trọng giới thiệu cuốn sách Lịch sử
các trường mang tên danh nhân tỉnh Bến Tre cùng quý độc giả.